Giới thiệu về Trung tâm Giáo dục Học sinh Dân tộc

     Trung tâm Giáo dục Học sinh Dân tộc được thành lập theo Quyết định số:344/QĐ-SGD&ĐT ngày 03 tháng 6 năm 2010 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông.

      Vị trí, Chức năng:

Trung tâm giáo dục học sinh dân tộc là đơn vị chuyên môn, sự nghiệp cấp tỉnh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có chức năng tham mưu, giúp Sở giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu tiếng và chữ  viết của người dân tộc thiểu số và tổ chức các hoạt động giáo dục để giáo dục học sinh dân tộc, giảng dạy tiếng Dân tộc cho người lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên và đa dạng của mọi người trên địa bàn tỉnh. Đề xuất các giải pháp, tham mưu xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc.

Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Sở Giáo dục và Đào tạo về tổ chức bộ máy, biên chế, đồng thời chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan cấp trên theo quy định của pháp luật.

Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch theo quy định của pháp luật. Trụ sở của Trung tâm đặt tại thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông.

   Nhiệm vụ, quyền hạn:

Tổ chức khảo sát, điều tra, xây dựng đề án, nghiên cứu về giáo dục học sinh dân tộc thiểu số  trong phạm vi tỉnh Đắk Nông.

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc, đề ra các hoạt động giáo dục hòa nhập, tư vấn về giáo dục giới tính, tư vấn về định hướng nghề nghiệp phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy cho học sinh dân tộc, về phương pháp dạy tiếng dân tộc… Tổ chức các cuộc hội thảo, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn về giảng dạy tiếng dân tộc cho học sinh phổ thông và người lớn.

Nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách của  địa phương đối với học sinh dân tộc thiểu số; các chính sách đối với cán bộ, giáo viên người dân tộc và cán bộ, giáo viên công tác vùng đồng bào thiểu số. Giúp lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đôn đốc các hoạt động chuyên môn, phong trào ở các trường PT DT Nội trú, bán trú.

Tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu ngôn ngữ giữa các dân tộc anh em, nhằm giữ gìn và  phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao vốn ngôn ngữ cho học sinh.

Quản lý và kiểm tra việc dạy và học tiếng dân tộc cho học sinh phổ thông, cho người lớn theo sự phân công của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức và nhân dân có nhu cầu học tập.

Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc hàng năm theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo.

    Phương pháp điều hành của Trung tâm:

Trung tâm giáo dục học sinh dân tộc làm đầu mối ký kết hợp đồng với các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tham mưu với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, kiểm tra, đôn đốc  cơ sở giáo dục thực hiện những chính sách, các chương trình giáo dục học sinh dân tộc.

Hoạt  động của Trung tâm được tiến hành một cách linh hoạt và đa dạng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của tỉnh ở từng thời kỳ, với các hình thức nghiên cứu khác nhau theo qui định của Pháp luật.

    Hoạt động biên soạn sách giáo khoa, tài liệu tiếng và chữ viết người dân tộc.

Trung tâm giáo dục học sinh dân tộc thực hiện xây dựng kế hoạch và biên soạn sách giáo khoa chữ dân tộc xin các cấp có thẩm quyền thẩm định và tiến hành in ấn sách giáo khoa theo qui định của Pháp luật.

Thực hiện các chương trình đào tạo bổ sung, tu nghiệp định kỳ, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng và các chương trình đáp ứng nhu cầu biên soạn cho đội ngũ công chức làm công tác nghiên cứu.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tổ chức biên soạn các tài liệu tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh.

   Hoạt động Giáo dục của Trung tâm giáo dục học sinh dân tộc.

Căn cứ tình hình của địa phương, kết quả điều tra khảo sát thực tế và nhiệm vụ được giao, Trung tâm xây dựng các chương trình giáo dục đối với học sinh dân tộc, tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch mở lớp trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ vào văn bản xác nhận nhu cầu đào tạo và kế hoạch mở lớp của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo để ký kết hợp đồng trách nhiệm với các cơ quan, đơn vị về việc tổ chức giảng dạy tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số cho người lớn.

Hoạt động của trung tâm còn được tổ chức theo chức năng của một đơn vị sự nghiệp. Căn cứ các quy định về nhiệm vụ được giao, trung tâm giáo dục học sinh dân tộc tổ chức họat động giáo dục và các họat động hỗ trợ công tác giáo dục  cho các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh dân tộc.

    Kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập đối với học viên, trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình học tiếng Dân tộc thiểu số.

Tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập đối với học sinh của các trường thực hiện học Song ngữ.